Mùa tuyển sinh đã khởi động bằng
việc giới thiệu ngành nghề và các trường đào tạo. Về mặt tâm lý - giáo dục, học
sinh (HS) rất cần được tư vấn hướng nghiệp và chọn nghế trước khi đặt bút đăng
ký tuyển sinh.
Trong buổi giao lưu và tư vấn hướng
nghiệp tại khối lớp 12 của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nhiều HS
đã thẳng thắn nêu thắc mắc và đối thoại với chuyên viên tư vấn. Dưới đây xin
tóm tắt nội dung đối thoại quanh việc chọn nghề.
* HS: Chúng em thường băn khoăn việc
chọn nghề làm sao để không bị lầm. Vậy trước hết, nên hiểu thế nào là chọn lầm
nghề?
Tư vấn: Đặt vấn đề như vậy là cần thiết và tỏ ra bình tĩnh
trước khi lựa chọn. Bởi vì, phải suy xét kỹ, nhằm "biết trước để
tránh", hoặc "hiểu để không lầm". Khái niệm "chọn lầm
nghề" tương ứng với thuật ngữ trong hướng nghiệp gọi là "không tương
thích với nghề được chọn".
Nói vắn tắt: Chọn lầm nghề
là chọn phải nghề không tương thích, nghĩa là về căn bản, không hợp với tính
cách và năng lực của ta.
Nếu ta lỡ mua một đôi giày tuy đẹp
mã nhưng bị chật, hay mua một chiếc áo rất model nhưng bị rộng, là ta đã chọn
nhầm hàng. Chọn người yêu càng dễ bị nhầm nếu chỉ "hợp nhãn" mà không hợp
tính. Chọn nghề còn phức tạp nhiều hơn thế và dễ bị lầm hơn thế, vì nhãn
quan và cảm tính rất dễ đánh lừa nhiều người. Nghề thời thượng chẳng hạn, nó
đang lôi cuốn số đông, có thể hợp với ai đó nhưng không hợp với chính ta. Lại
có thể hợp với ta về mặt năng lực, nhưng rất không hợp về mặt tính cách. Nếu
chưa cân nhắc kỹ mà đã vội chọn nó, vậy là ta đã lầm.
* Với HS, nguyên nhân nào
dẫn đến việc chọn lầm nghề?
Tư vấn: Việc chọn lầm thường do cảm tính, do "nổi
hứng" nhất thời, do chạy theo phong trào hoặc do bị mất phương hướng nên
"nhắm mắt đưa chân"... Nếu tránh được tối đa những cảm xúc vội vàng,
biết suy xét và phân tích từ nhiều khía cạnh theo lý tính, thì việc lựa chọn
ngành nghề ít bị lầm hơn.
Cũng có trường hợp do sức ép từ phía
gia đình. Một nghịch lý thường gặp qua thực tế tư vấn hướng nghiệp ở nhiều nơi
đã cho thấy, rất nhiều HS không trả lời được câu hỏi "Tại sao em quyết
định chọn nghề này?" nhưng vị phụ huynh đi theo đã trả lời được câu đó!
Như vậy, với những HS ấy, chọn nghề là do mong muốn của cha mẹ, thay vì của
chính mình!
Để không chọn lầm nghề, hãy tham
khảo ý kiến và ý muốn của cha mẹ (cần lắm, để tham khảo kinh nghiệm và hiểu
biết của các bậc bề trên), nhưng nên xin phép cha mẹ cho mình được quyền quyết
định cuối cùng.
* Và, nên hiểu kỹ như thế nào là
chọn đúng, nghĩa là chắc chắn "chọn không lầm nghề"?
Tư vấn: Chọn không lầm nghề là chọn được một nghề tương
thích với mình. Ở đây có hai ý: nghề mình chọn phải là nghề mình thích,
đương nhiên, nhưng còn phải xét đến yếu tố tương hợp. Yếu tố này
quan trọng hơn cả. Nếu không tương hợp với yêu cầu của nghề, dù ta có thích đến
đâu, sớm muộn cũng sẽ bị nghề đào thải. Hơn nữa, sở thích chưa phải là sở
trường. Sở thích thiên về cảm tính, không ổn định. Sở trường mới là tố chất của
năng lực, ổn định hơn, bền vững hơn.
Tương hợp chủ yếu về hai mặt: phẩm
chất và năng lực. Ngoài ra, còn phải xét đến giới tính, sức khỏe, hoàn cảnh...
và chí hướng của ta. Nếu ta thích nghề đó, lại còn được nghề
"yêu", nghĩa là "nghề chọn ta" (vì tương hợp với ta) thì chắc
chắn ta đã chọn đúng nghề. Do đó, các nhà giáo dục hướng nghiệp đã khẳng định:
chủ yếu là nghề chọn ta chứ không phải ta chọn nghề. Có "giao duyên"
như vậy mới không lầm lẫn. Trên thực tế, vì không được nghề "yêu" nên
đã có rất nhiều người dù đã tốt nghiệp nhưng khi vào nghề mới thấy rằng không
thể theo được nghề đã chọn (do chọn lầm).
* Trong trường hợp chúng em chưa
tiếp xúc và chưa hành nghề, làm sao để biết nghề ấy có "yêu" mình hay
không, có tương hợp với mình hay không?
Tư vấn: Sự giao duyên giữa nghề với người (có duyên nợ hay
không) qua trải nghiệm thực tế sẽ càng thấy rõ, tất nhiên. Nhưng bước đầu, qua
trắc nghiệm khách quan cũng có thể giúp ta biết được về cơ bản, ta có hợp (hay
không hợp) với nghề định chọn. Hiện nay, trên mạng lưới tư vấn giáo dục, có
nhiều trung tâm tư vấn hướng nghiệp mà tại đó có cả trắc nghiệm hướng
nghiệp.
Trắc nghiệm
hướng nghiệp là một
loại hình trắc nghiệm khách quan hướng về việc chẩn đoán và phát hiện những đặc
điểm tư chất của cá nhân đối với nghề nghiệp. Kết quả trắc nghiệm này được coi
là cơ sở khoa học để tư vấn hướng nghiệp, góp phần hỗ trợ cho HS tự hiểu mình
một cách khách quan hơn. Từ đó biết chọn học ngành nghề nào cho phù hợp, đồng
thời tránh được những nghề không phù hợp.
* Chúng em thấy có nơi trắc nghiệm
hướng nghiệp chỉ căn cứ vào chỉ số IQ. Điều đó đã đủ cơ sở để quyết định việc
lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp hay chưa?
Tư vấn: Chưa đủ! Để chẩn đoán được chính xác, ngoài IQ test,
còn phải bổ sung nhiều loại hình trắc nghiệm khác nữa, như EQ test (đo chỉ
số cảm xúc - Emotion Quotient), AQ test (đo chỉ số vượt khó -
Adversity Quotient), CQ test (đo chỉ số sáng tạo - Creation
Quotient)... Tối thiểu, ta nên chọn nơi nào, bài trắc nghiệm nào có ít nhất 2
loại test: IQ và EQ, vậy mới hy vọng có sự chẩn đoán gần chính xác.
Kết quả của IQ test chỉ cho ta biết
về sức bật trí tuệ và khả năng nhận thức, chưa thể cho biết về tính cách cá
nhân và năng lực tinh thần. Mà điều thứ hai (tính cách và tinh thần) đặc biệt
quan trọng hơn điều thứ nhất (trí tuệ và nhận thức). Nó nói lên những phẩm chất
đặc trưng của con người và những giá trị bản thân của người đó tương thích
(hoặc không tương thích) với nghề nào. Nghề sẽ chọn và "yêu" người
nào không chỉ thành thạo kỹ năng làm việc, nó còn kén chọn những ai có
một tâm hồn và thái độ làm việc tương xứng với nghề.
* Tại sao các chỉ số EQ, AQ... có
thể đo được những phẩm chất đó mà riêng IQ không làm được?
Tư vấn: Đơn giản vì chỉ số thông minh (IQ) chỉ nói lên được
người đó mạnh hay yếu về sức học và năng lực nhận thức, nghĩa là mới xác định
được phần TRÍ, trong khi nhân cách của mỗi người lại gồm tối thiểu 5 yếu tố:
Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Dũng. Bốn phần còn lại (ngoài Trí) phải được đo đạc bằng
những chỉ số khác, trong đó, riêng chỉ số cảm xúc (EQ) là đo gần được cả Nhân,
Lễ, Nghĩa... Chính những giá trị đó nói lên phần "hồn" của con người
trực tiếp liên quan đến nghề nghiệp. Tâm lý học hiện đại đã khẳng định điều
này. Các nhà doanh nghiệp khả kính và thành công (theo nghĩa chân chính) đều có
chỉ số EQ và AQ cao chứ không nhất thiết IQ cao.
* Giữa IQ và EQ có mối quan hệ tương
hỗ như thế nào trong việc chọn học nghề và hướng
nghiệp?
Tư vấn: IQ cần cho con người khi nghiên cứu sâu về khoa học
tự nhiên và kỹ thuật. EQ giúp người đó tìm hiểu sâu và thấm đượm nhiều về khoa
học xã hội và nhân văn. Tiêu chí đặc trưng để đo đạc về IQ là tư duy
lôgic, về EQ là tư duy nhân văn. IQ giúp tạo nên kỹ năng học và
khám phá, EQ giúp hình thành kỹ năng sống và trải nghiệm. Thực chất EQ cũng đo
sự thông minh dưới một hình thái khác: IQ thiên về thông minh lý trí (mang tính
logic), EQ thiên về thông minh cảm xúc (mang tính nhân bản).
Bởi vậy, EQ còn được hiểu là trí tuệ cảm xúc - thứ trí tuệ bao
quát, thấm đẫm chất người, còn được gọi là văn hóa người. Thông
thường, những ai có IQ và EQ đều cao thì đa năng, giỏi nhiều nghề thuộc cả hai
lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
* Khi định nhắm tới một nghề cho
tương lai, ngoài việc chẩn đoán bằng trắc nghiệm khách quan (IQ, EQ,...), còn
có cách nào tích cực hơn nữa để tự hiểu bản thân xem phù hợp (hay không phù
hợp) với nghề đó?
Tư vấn: Còn vài cách khác, trong đó có một cách rất tích cực,
tuy hơi mất thì giờ nhưng hiệu quả và độ chính xác rất cao. Ở Mỹ và các nước
phát triển cao về nhân lực, người ta gọi đó là cách "làm bóng" (không
phải đánh bóng tên tuổi) trước khi chọn nghề. "Làm bóng" là phương
pháp SHADOWING (xuất phát từ chữ shadow - cái bóng), được hiểu là bám
theo chân một người lành nghề (như hình với bóng) trong một thời
gian lăn lộn với nghề. Qua những trải nghiệm thực tế đó (ngọt bùi
và đắng cay...) mà tự hiểu về những gì tương hợp (hoặc không tương hợp) giữa
nghề với bản thân mình.
Đây là một phép thử-sai / thử-đúng,
tựa như một thứ "giấy quỳ" để xác định nghề đó (và cả cái
"nghiệp" của nó) có tương thích với mình hay không, tương thích hoặc
không tương thích đến mức nào... Chẳng hạn, muốn học nghề y, hãy tìm một người
thân quen (để giúp mình làm bóng) đang làm việc trong bệnh viện. Chỉ việc dành
ra 2-3 ngày mỗi tuần (không cần lâu hơn) cùng đi với người đó lăn lộn trong môi
trường bệnh viện, tiếp cận với thực tế chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, thử
nghiệm những gì có thể làm được (phụ việc) cho người đó, quan sát các động thái
thao tác nghề nghiệp của người đó... Trên cơ sở ấy, hãy tự vấn kiểu như: Cảm
nhận những gì về nghề y và thầy thuốc? Điều gì là đặc trưng cao đẹp và điều gì
"kinh khủng" nhất của nghề ấy? Nghề y đòi hỏi những tố chất gì nơi
thầy thuốc mới phục vụ tốt? Liệu ta có thích hợp với nghề đó hay không?...
Đó là vài dữ liệu căn bản nhất và
cũng là những tín hiệu đáng tin nhất để tiến tới quyết định chọn hay không chọn
nghề ấy.
* Để chọn nghề và hướng nghiệp chính
xác, các em đang đứng trước nhiều lựa chọn, giữa các yếu tố tinh hoa và không
tinh hoa. Nếu vì một lẽ gì đó, không chọn được yếu tố tinh hoa, dễ bị tụt hậu.
Nhưng nếu chạy theo tinh hoa, lại thấy mình không đủ sức! Vậy, nên tự giải
quyết như thế nào trước tình huống ấy?
Tư vấn: Giữa tinh
hoa và không tinh hoa, ta nên cân nhắc bởi đặc điểm vừa sức (vừa
khả năng, vừa trình độ, vừa tính cách, vừa sức khỏe..., vừa cả túi tiền). Nghĩa
là, phải căn cứ vào những nét riêng của từng cá nhân, mới lựa chọn phù hợp. Ở
đây, phương châm "liệu cơm gắp mắm" là thượng sách. Trong nhiều yếu
tố lựa chọn, có khi ta không thể chọn yếu tố tinh hoa, mà phải "hạ
mình" để chọn yếu tố khác, không tinh hoa nhưng phù hợp hơn, thiết thực hơn
và "chắc ăn" hơn. Đó là cách nhìn, cách xét và cách chọn của người có
đầu óc thực tế, khác với người mơ mộng. Mơ mộng dễ trở thành ảo mộng và viễn
vông, dù có khi mơ rất đẹp, mộng rất "vàng". Bởi vậy, trong chọn nghề
nói riêng và hướng nghiệp nói chung, nhiều khi phải tạm gác "giấc mộng
vàng" để săn tìm những "thực tế xanh". Thành công ban đầu là ở
chỗ đó.
* Em đọc trên báo thấy có lời nhận
định thẳng thắn của một chuyên gia giáo dục nước ngoài, rằng "Thanh niên
Việt Nam rất hiếu học, nhưng phần lớn chỉ lao vào học thi để lấy bằng, rồi lấy
bằng để... lo kiếm sống hoặc kiếm danh. Hết!". Nhận định như vậy có hơi
quá đáng không ạ?
Tư vấn: Nếu căn cứ vào thực tế hiện nay, nhận định như vậy có
lẽ không quá đáng. Thực trạng luyện thi nhan nhản, nhồi nhét đầy ắp trong các
lò dạy chữ đã nói lên điều đó. Cần thấy đó là điều quá xót xa, phải giật mình
để cảnh tỉnh. Thử tưởng tượng một xã hội mà lớp trẻ chỉ "lo lấy bằng để
kiếm sống hoặc kiếm danh" (dù rất chính đáng và thiết thực) thì xã hội đó
sẽ đi về đâu ?! Cái đích của tuổi trẻ (cũng là mục tiêu của giáo dục) là
"mưu sinh" hay "phát triển", là "kiếm tiền" hay
"phụng sự", là "được danh nghĩa" hay "có thực
chất" ? Nên quay về với những giá trị sống nhân bản.
* Nhưng, việc dùi mài kinh sử để
luyện thi là thể hiện tinh thần hiếu học (coi chữ nghĩa hơn đồng tiền), sao lại
không được nhấn mạnh để khuyến khích ạ?
Tư vấn: Có hai cách hiếu học, mỗi cách có một cấp độ giá trị
riêng. Cách thứ nhất : hiếu học để đối phó với yêu cầu thi cử, lấy bằng cấp để
mưu sinh, thậm chí để kiếm một địa vị, một danh vị trong xã hội. Cách thứ hai :
hiếu học để thỏa mãn nhu cầu học hỏi, để đáp ứng khát vọng tự thân trong việc
làm giàu trí tuệ và làm sáng tâm hồn. Xu thế của thời đại coi trọng và tôn vinh
loại hiếu học thứ hai, với quan điểm: hiếu học như vậy mới nâng cấp giá trị bản
thân, đem lại chất lượng đích thực cho con người trong tiến trình hướng nghiệp.
Mặt khác, một thái độ hiếu học như thế mới là đặc trưng của một xã hội học tập
thời @ - thời kinh tế tri thức, thời hội nhập toàn cầu. Một não trạng hiếu học
như vậy cũng là bản chất của sự hoàn thiện nhân cách - coi sự học là suốt đời
chứ không phải nhất thời qua thi cử.
* Câu hỏi cuối: Nhiều người đã vô
tình chọn lầm nghề, học nhầm trường, nhưng vẫn học được và tốt nghiệp ra
trường. Một số trong họ chưa (hoặc không) cảm thấy khó khăn gì khi vào đời và
lập nghiệp. Điều đó được hiểu ra sao?
Tư vấn: Đó là vì họ chưa đối mặt với những thử thách éo le
trong nghề, chưa đụng chạm với những gai góc sắc cạnh của nghề. Chỉ khi bước
sâu vào nghề và cọ xát với thực tế khắc nghiệt đó, họ mới thấy "dội"
- dội từ cung cách làm việc đến thái độ hành nghề, nhất là khi va vấp những
nghịch cảnh và đối diện với "nghiệp" cay đắng của nghề. Mặt khác,
những người trong hoàn cảnh đó may lắm là chỉ "tồn tại" được trong
nghề nhất thời thôi, làm được ở mức bình bình thôi, không thể khá hơn, sáng tạo
hơn, phát đạt hơn, càng không thể "sống lâu" trong nghề. Bởi vậy mới
có trường hợp hành nghề nhưng vẫn dửng dưng với nghề, "bỏ thì thương,
vương thì nặng", không mặn mà "yêu" mà chỉ chực chờ "ly
dị" hoặc "ly thân" với nghề khi thời cơ đến.
Trong mọi trường hợp, thực tế trải
nghiệm trong nghề nghiệp bao giờ cũng là người thầy phán xét khách quan nhất,
cũng là sự giám định chính xác nhất về sự tương thích (hay không tương thích)
của ta đối với nghề. Đấy là quy luật.
Nguồn www.ier.edu.vn - Viện Nghiên Cứu Giáo Dục - Trường ĐH Sư Phạm
Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ gốc bài viết: http://www.ier.edu.vn/content/view/257/160/