Vào ngày 20/4/2019, khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ VI, Thư viện trường CĐSP Thừa Thiên Huế đã gửi thông điệp đến với bạn đọc rằng văn hóa đọc sách là một trong những yếu tố góp phần hoàn thiện văn hóa nhân văn ở mỗi con người.
Sau lời phát biểu khai mạc của Thầy Trần Minh Hùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, là bài nói chuyện của TS. Ngữ văn Hoàng Thị Thu Thủy về thói quen đọc sách, sở thích đọc sách, kỹ năng đọc sách… Sau khi trao đổi tâm huyết về những vấn đề ngỡ là bình thường nhưng rất cần thiết đối với mỗi người, nhất là với sinh viên các ngành Tiếng Nhật, Kế toán… TS. Hoàng Thị Thu Thủy phân tích một số dẫn chứng khá hấp dẫn về các tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới hay những tác phẩm văn học xuất sắc của Việt Nam để nhấn mạnh về giá trị và ý nghĩa của việc đọc sách là nâng cao nhận thức của con người (với bản thân và xã hội); rèn luyện tư duy (rèn luyện ngôn ngữ và hiểu biết của mỗi người); hoàn thiện nhân cách (hoàn thiện tính cách và xu hướng hướng thiện ở mỗi người); tăng thêm kinh nghiệm sống (ứng xử và đối nhân xửa thế ở mỗi người. Khi nhắc đến vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, cô giáo đã nhắc đến tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Victor Hugo với tác phẩm văn chương nổi tiếng “Nhà thờ Đức Bà Paris”, nhấn mạnh thêm rằng, nếu ai đã từng đọc tiểu thuyết này thì sẽ nhận ra nỗi buồn của mình thật sâu sắc…

Sau lời phát biểu của cô Thủy, thầy Trần Danh Sơn tiếp tục trao đổi, định hướng cho sinh viên việc lựa chọn sách để đọc.
Các sinh viên đã trao đổi cùng diễn giả Hoàng Thị Thu Thủy là làm thế nào để nhớ mỗi quyển sách để đọc, hoặc là sách cho ngành tiếng Nhật còn thiếu… thì cô giáo đã trả lời thật dí dỏm: rằng bạn không cần nhớ nhiều, hãy giải phóng bộ nhớ của mình để bảo tồn lâu dài; nhưng khi đọc sách nào hay, câu nói nào hay cần ghi nhớ vào sổ tay, quan trọng là nhớ tên tác phẩm và tác giả. Với nguồn tài liệu cho sinh viên tiếng Nhật thì cô Thủy đã giao lưu và kết nối cùng sinh viên trên trang Facebook của mình – đúng là “thế giới phẳng”, vì trên trang của cô hiện đang có nhiều bài viết về văn hóa Nhật sau chuyến du hành trở về từ nước Nhật.

Sau buổi nói chuyện, trao đổi, giao lưu, chúng tôi ngẫm nghĩ mãi về những ý tứ trong bài nói chuyện của cô Thủy là: Khi bạn cầm cuốn sách trên tay, chưa hẳn là bạn đọc để tìm kiếm kiến thức trong đó, mà nhiều khi đó là giây phút bạn cần giải trí sau những thời khắc căng thẳng với công việc, hay cũng có lúc bạn đang rỗi rãi, muốn đọc sách, thế nhưng những kiến thức trong các cuốn sách bạn đọc sẽ tự đến, nếu như những quyển sách đó viết hay và cuốn hút bạn. Cũng có những cuốn sách, lúc mới đọc chưa chắc đã hấp dẫn, nhưng khi có cơ hội nghiền ngẫm về nó thì bạn mới thấm thía cái ẩn ý mà nhà văn gửi gắm trong đó...
Chúng ta hãy cùng nghiền ngẫm về câu nói của Lâm Ngữ Đường: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, người già đọc sách như thưởng thức trăng trên đài” (Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tao Đàn, Sài Gòn 1965)
Hứa Văn Thành