Triển khai nhiệm vụ năm 2022, thực hiện chỉ đạo
của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch
công tác với một số công tác trọng tâm:
1. Tập trung ngay vào việc xây dựng văn bản, đề
án theo nhiệm vụ đã được Bộ phân công. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống
các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tạo hành lang pháp
lý đồng bộ để phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề; đáp ứng
các nhu cầu đa dạng của người lao động theo cơ chế thị trường; khuyến khích
doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động.
2. Triển khai đồng bộ chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch, các chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu
tiên triển khai Chiến lược, các Đề án, Chương trình đã được phê duyệt trong năm
2021: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn
đến năm 2045; Đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số
43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình;
các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia...
3. Tập trung cao nhất việc chỉ đạo, hướng
dẫn triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN ở các bộ, ngành, địa
phương theo hướng tinh gọn nhưng hiệu quả, giảm đầu mối và số lượng
nhưng không giảm năng lực đào tạo; đánh giá, công nhận hệ thống các
trường chất lượng cao theo tiêu chí, quy trình đã được Bộ phê duyệt.
4. Tham mưu Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số
nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục và các đơn vị thuộc
Tổng cục sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kiện toàn
mô hình Tổng cục với mạng lưới trực thuộc có một số trung tâm quốc
gia và trung tâm vùng về đào tạo và thực hành chất lượng cao; tự
chủ toàn diện; có năng lực vượt trội trong đào tạo và hội nhập
quốc tế; qua đó thực hiện tốt hơn liên kết vùng; tạo động lực, dẫn dắt
toàn hệ thống GDNN đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo; hướng
dẫn mô hình hội đồng GDNN với vai trò là cơ quan liên ngành tư vấn chính
sách, khuyến nghị và điều phối, xây dựng, giám sát các chương trình hỗ trợ đổi
mới giáo dục nghề nghiệp của địa phương.

5. Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn hướng nghiệp,
phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ với các cơ quan
có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái
truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp trong GDNN; tiếp tục
đổi mới phương thức tuyển sinh, đào tạo để duy trì quy mô, nâng cao
chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho
phục hồi kinh tế; chú trọng các chương trình đào tạo chất lượng cao
theo cơ chế đặt hàng; đẩy nhanh triển khai đào tạo, đào tạo lại theo
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
6. Thực hiện chuyển đổi số trong GDNN theo
Quyết định 2222/QĐ-TTg nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số,
chú trọng phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi
mới và phát triển chương trình đào tạo; hình thành nền tảng số giáo dục nghề
nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động
dạy và học; tăng cường quản lý số và quản trị số, kết nối thông tin hệ
thống theo vùng, theo ngành, theo trình độ...
7. Chủ động các phương án ứng phó với ảnh hưởng
của dịch Covid-19 sau Tết Nguyên đán tại cơ quan Tổng cục và hệ thống giáo dục
nghề nghiệp. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cho học sinh, sinh viên trở lại
học tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Trần Minh Hùng (tổng hợp)