Ngày
6 tháng 11 năm 2021, Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế tổ chức
buổi sinh hoạt chuyên đề trên nền tảng Ms Teams. Buổi sinh hoạt chuyên đề có
hơn 30 cán bộ giảng viên trong toàn trường tham dự.
Trước
tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giảng dạy trực tiếp chưa thể diễn
ra nên cán bộ giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm đã khắc phục mọi khó khăn để đổi
mới phương pháp dạy học… Một trong những nội dung đổi mới đó là: phương thức
sinh hoạt chuyên môn và phương pháp dạy học nhằm đáp ứng chương trình giáo dục
phổ thông mới (2018).

Sinh
hoạt chuyên môn cần thay đổi như thế nào trong tình hình mới nhằm cởi trói, giảm
áp lực cho giáo viên phổ thông hiện nay? Đây là câu hỏi rốt ráo, cấp thiết của
giáo viên từ bậc học mầm non đến các giảng viên giảng dạy tại các trường đại học,
cao đẳng. Để giải quyết nội dung này, Thạc sĩ Phạm Thanh Hải đã có những chia sẻ
hết sức quý báu về việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn gắn với mô hình nghiên cứu
bài học.

Sau
phần trình bày nội dung sinh hoạt chuyên môn gắn với mô hình nghiên cứu bài học
của thầy Phạm Thanh Hải đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Việc cho phụ
huynh cùng tham gia vào hoạt động học tập của học sinh trên lớp có những điều
kiện thuận lợi và khó khăn nào? Có nên tổ chức mô hình này cho bậc học mầm non
với độ tuổi còn nhỏ và đặc điểm tâm sinh lí tò mò khi gặp người lạ? Sau tiết dạy
minh họa có nên góp ý, nhận xét giờ dạy ngay không hay để một thời gian nghiền
ngẫm, chiêm nghiệm bài học rồi mới tiến hành thảo luận? Có nên đánh giá tiết dạy,
đánh giá chất lượng giáo viên thông qua giờ dạy chuyên môn đó hay không hay chỉ
dừng lại trao đổi về chất lượng, cảm xúc của học sinh trong tiết học? Khi tham
dự tiết dạy minh họa, người dự ngồi bàn phía sau hay đứng hai bên lớp học để
quan sát cảm xúc của học sinh? Như thế nào được gọi là một tiết dạy thành công?
v.v… Tất cả những nội dung trên được các thầy cô tham dự buổi sinh hoạt chuyên
đề trao đổi sôi nổi. Nhiều ý kiến thẳng thắn được chia sẻ trên tinh thần cầu thị,
đổi mới và sáng tạo. Với mục tiêu chính của phần trình bày do thầy Phạm Thanh Hải
hướng đến là: đổi mới chương trình giáo dục phải đổi mới từ tư duy của “vị nhạc
trưởng” trong lớp học. Đây là yếu tố căn bản, then chốt để đổi mới chương trình
giáo dục phổ thông mới.

Phần thứ 2 của buổi sinh hoạt chuyên đề là phần
trình bày của thầy Chu Đình Kiên với nội dung: một số trao đổi về chương trình
Ngữ văn 6 và định hướng phương pháp giảng dạy theo công văn 5512.
Với chương trình phổ thông mới ban hành năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
đặt ra nhiều vấn đề cần thay đổi: sách giáo khoa đến năng lực, phẩm chất của
người giáo viên; từ phương tiện dạy học đến hệ thống phương pháp dạy học… Các vấn
đề được mổ xẻ, trao đổi thẳng thắn, khoa học nhằm tìm ra phương pháp dạy học tốt
nhất trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, thầy Chu Đình Kiên nhấn
mạnh một số vấn đề khi thiết kế giảng dạy chương trình Ngữ văn 6: Kế hoạch dạy giáo dục/Bài dạy của giáo viên thống nhất,
nhưng có thể không đồng nhất với kế hoạch dạy học của Tổ chuyên môn. Thiết kế 4 hoặc 5 hoạt động là theo BÀI học (một bài có thể dạy nhiều tiết)
chứ không phải theo TIẾT học. Đối
với dạy văn bản truyện, giáo viên không sử dụng phương pháp dạy "thế bản". Có nghĩa là hướng dẫn
cho học sinh đọc và hiểu văn bản đúng nghĩa của nó, chứ không phải giảng văn. Nếu
giảng văn là áp đặt nội dung sau đó giáo viên yêu cầu học sinh đi tìm chi tiết,
câu văn,... chứng minh cho nội dung đó. Còn dạy Đọc hiểu là từ các chi tiết, hình ảnh, sự kiện... để rút ra những đánh giá, ý kiến
của bản thân người học. Văn bản đọc hiểu chỉ là phương tiện chứ không phải
là mục đích. Cho nên,
trong quá trình dạy đọc hiểu văn bản, giáo viên cần hướng dẫn cách tiếp cận, lí
giải văn bản là chính chứ không phải là đi tìm ý nghĩa cuối cùng của văn bản. Cách hướng dẫn cách viết văn bản
theo chương trình 2018:n bên
cạnh cách tạo lập truyền thống thì cần tăng cường dạy học sinh tạo lập văn bản
có sử dụng các hình thức đa phương tiện khác. Trước khi cho học sinh tạo lập
văn bản cần có sự chuẩn bị kĩ về tư liệu, và các hình thức bổ trợ khác như:
tham quan, dã ngoại để quan sát...

Với nhiều nội dung trao đổi phong phú, buổi sinh hoạt
chuyên đề hi vọng đã đem đến một góc nhìn mới, thú vị về hai vấn đề: sinh hoạt
chuyên môn gắn với hoạt động nghiên cứu nội dung bài học và định hướng dạy học
Ngữ văn 6 gắn với công văn 5512.
[1] Xem thêm Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH - Hướng dẫn sinh
hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học, link:
https://hoatieu.vn/cong-van-5555-bgddt-gdtrh-143671
Chu Đình Kiên
Khoa Sư phạm