Tháng 11 lại về mang theo cơn gió thu nhè
nhẹ mơn man, thi thoảng có những trận mưa ngâu buồn tẻ trên những con đường của
xứ Huế; khiến lòng người
xốn xang bởi những khoảnh khắc bình dị, mộc mạc mà trữ tình. Nhưng tháng
11 là dịp học sinh nói riêng và toàn
dân nói chung có dịp hướng lòng mình về những người thầy, người cô, cũng
như các cô chú cán bộ nhân viên trong nhà trường, những người luôn thầm lặng tận
tâm săn sóc và dạy dỗ các thế hệ học sinh trở thành những mầm ươm tốt nhất cho
tương lai.
"Có một nghề bụi phấn
bám vào tay
Người ta bảo
là nghề trong sạch nhất
Có một nghề
không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời
những đoá hoa thơm"

Đó là nghề giáo viên cao quý, một nghề đã
ban tặng cho chúng em những người thầy, người cô đáng trân trọng. Từ ngàn đời nay, nghề dạy học luôn được xem là “nghề cao quí
nhất trong các nghề cao quý”.
Ông cha xưa đã
từng có câu: “Tôn sư trọng đạo” để nói lên vấn đề biết ơn, kính
trọng những người đã dạy dỗ mình. Xã hội hiện đại ngày càng phát
triển, có những giá trị văn hóa truyền thống đã dần bị phai nhạt, nhưng
truyền thống Tôn sư trọng đạo vẫn được giữ gìn và phát huy.
Biết ơn, kính
trọng thầy cô là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã được
lưu giữ hàng nghìn năm nay:
Muốn
sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy
Hay câu: Không thầy đố mày làm nên
Từ thuở
ấu thơ cắp sách đến trường chúng ta đã được thầy cô dạy dỗ những điều hay lẽ
phải, đạo đức làm người, lòng biết ơn…những bài học đạo đức đầu tiên đã giúp
chúng ta trở thành những con người có ích cho xã hội.
Chính
thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của chúng ta bay cao, cung cấp hành trang
kiến thức cho chúng ta bước vào đời và giúp chúng ta thành công trên con đường
học vấn. Thầy
cô không chỉ là người dạy chữ, mà còn dạy chúng ta cách làm người. Thầy cô còn
là người gieo mầm những ước mơ trong mỗi thế hệ học trò chúng ta.
Đã có nhiều nghệ sĩ, nhà thơ
dùng ngòi bút nghệ thuật và tâm hôn thi ca của mình để tạo ra những bài
thơ, những bài hát hay với nội dung tôn vinh, ca ngợi nghề giáo viên cao
quý, ghi lại dấu ấn trong kho tàng thơ ca và âm nhạc Việt Nam. "Một bông hồng em dành tặng cô, một bài
ca hát riêng tặng thầy, những món quà bé nhỏ đơn sơ nhưng chứa chan niềm kính
yêu vô bờ".
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã rất thành công trong việc khắc họa
hình ảnh người thầy đáng kính trong tiềm thức của rất nhiều người, đánh thức
cảm xúc thổn thức trong lòng mỗi người nghe.
“Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, có hay bao mùa lá rơi, thầy đã đến như muôn
ngàn tia nắng, sáng soi bước em trong cuộc đời".

Từng lời
hát được cất lên chất chứa trong đó biết bao tình cảm tha thiết, chân tình của
người học trò gửi đến người thầy vẫn lặng lẽ chèo từng chuyến đò đến bến bờ tri
thức.
Mỗi lời thầy cô
nói, mỗi hành động cử chỉ của thầy cô đều chất chứa sự dịu dàng, ân cần, sự
quan tâm vô bờ dành cho những đứa học trò nhỏ. Niềm vui, niềm hạnh phúc của
thầy cô đơn giản là thấy học trò của mình ngày càng tiến bộ, ngày càng thành
công. Còn với mỗi học sinh, sự báo đáp lớn lao nhất không phải là những món quà
vật chất, mà là lòng biết ơn, sự cố gắng phấn đấu trong học tập, bằng những việc làm cụ
thể trong tháng 11“thi đua học tập tốt”
dành bông hoa điểm tốt kính tặng thầy cô giáo và bố mẹ đã chăm sóc và giáo dục
chúng em trở thành thế hệ tương lai của tổ quốc.