Công tác thanh tra,
kiểm tra có vị trí, vai trò rất quan trọng. Công tác này được thực hiện tốt sẽ
góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; giúp đối tượng thanh tra, kiểm
tra hiểu và làm đúng pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; tăng hiệu quả, hiệu
lực quản lý nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
Từ
rất sớm, Hồ Chí Minh đã quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra. Ngày 23/11/1945, với cương vị Chủ tịch Nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 64 về việc thành
lập và quy định quyền hạn Ban thanh tra đặc biệt (sau này, ngày 23 tháng 11 hằng năm trở thành Ngày Thanh tra Việt Nam).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác
thanh tra toàn miền Bắc 1961. Ảnh: Tư liệu
Hồ Chí Minh chỉ rõ
“Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc
chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính
phủ”. Theo Hồ Chí Minh, chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ
nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có
chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách
tổ chức thực hiện và do kiểm tra quá trình thực hiện. Nếu tổ chức thực hiện và
kiểm tra sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Có kiểm tra mới huy động
được tinh thần tích cực và lực lượng to lớn của nhân dân, mới biết rõ năng lực
và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Có chính sách, kế
hoạch và tổ chức thực hiện nhưng không có thanh tra, kiểm tra là một sai lầm.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải kiểm tra công tác của cán bộ, nếu chỉ nghe báo
cáo, có khi cán bộ báo cáo không đúng thì lãnh đạo sẽ sai lệch”. Người cho
rằng: “Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch
thế nào để kịp thời sửa chữa”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu tổ chức việc kiểm
tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình,
bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể
nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu
sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta
nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”. Đồng thời, cũng chính nhờ công tác thanh
tra, kiểm tra mà kịp thời phát hiện và phổ biến những kinh nghiệm tốt, những
cách làm hay nhân rộng ra nhiều đơn vị, nhiều địa phương, mang lại hiệu quả lớn
hơn cho xã hội.
Hồ Chí Minh xác định công tác thanh
tra, kiểm tra có nhiều nội dung, như: Việc thực hiện chủ trương, chính sách, kế
hoạch của cấp trên, của đơn vị đã đề ra; việc chống lãng phí, tham ô; việc
chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh; việc giải quyết khiếu nại, tố giác, v.v.. Theo
Hồ Chí Minh, thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô. Phát hiện ra
những việc lãng phí, tham ô kiến nghị cơ quan chức năng xử lý; tìm ra được
những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô. Người cho rằng, nạn lãng
phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo
gây ra. Vì vậy chẳng những phải thanh tra, kiểm tra nhằm chống lãng phí, tham ô
mà còn phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh để giúp cải tiến công tác, giữ gìn
kỷ luật, thực hành dân chủ. Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh
lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã
hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường
ĐHSP Hà Nội ngày 14-01-1957. Ảnh: Tư liệu
Hồ Chí Minh chỉ rõ
người làm công tác thanh tra, kiểm tra phải nắm chắc về yêu cầu, nghiệp vụ của
công tác này và “phải là những người rất có uy tín”. Đồng thời, phải huy động
được nhiều người trong đơn vị tham gia công tác này: “Nếu người lãnh đạo động
viên số đông hoặc tất cả nhân viên và học sinh trong trường tham gia công việc
kiểm soát, mà nhân viên trong ban kiểm tra cấp trên biết chỉ đạo đúng, theo
cách "lãnh đạo liên hợp với quần chúng", thì việc kiểm soát nhất định
kết quả tốt”. Để thực sự hiệu quả, Hồ Chí Minh xác định khi thực hiện công tác thanh
tra, kiểm tra thì: “Phải có hệ thống”, “phải đi đến tận nơi”, “phải dùng cách
thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách
sửa chữa những khuyết điểm ấy”.
Hồ Chí Minh khẳng
định: “Các ban thanh tra làm việc tốt, nhanh hay làm kém, chậm, trước hết là do
bản thân mỗi ban cố gắng nhiều hay ít, nhưng còn do cấp lãnh đạo có quan tâm
đến công tác thanh tra hay không. Các cấp lãnh đạo phải giúp đỡ các ban thanh
tra làm việc tốt, phải quan tâm lãnh đạo công tác thanh tra”. Hồ Chí Minh nhắc
nhở: “Cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng,
phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải
trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật,
phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ
luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế
thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”.

Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (25/01/2021 – 01/02/2021)
Nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn
diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng người nhân lực, phát triển con người đáp
ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng
định: “Giao quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện giám sát của các chủ thể
trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan
quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ của GD&ĐT giai đoạn 2021 – 2025, trong
đó cần phải: “Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng
bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các
cơ sở giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết
khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo
dục và đào tạo”. Để thực hiện hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ này thì cần có
nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trong các nhà trường, các cơ
sở GD&ĐT.
Luật Giáo dục 2019 (Luật
số 43/2019/QH14), được Quốc
hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, tại Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục (Điều 104), quy định: “Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu
nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong giáo dục”.
Ngày
20/12/2016, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT về việc tăng cường
thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Sau
gần 4 năm thực hiện Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT, công tác thanh tra giáo dục đã
đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hội
nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra nội bộ trong cơ sở GDĐH, trường CĐSP, ngày
25/11/2021
Tuy
nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập. Để công tác thanh tra giáo
dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT giai đoạn mới, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ
thị 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 chỉ thị toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm
Chỉ thị 5972/CT-BGDĐT; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về Luật Giáo dục số 43/2019/QH13 ngày 14/6/2019; quy
định pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng
chống tham nhũng và tiếp công dân đến các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động trong toàn ngành để thống nhất thực hiện; quán triệt Kết luận
số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các quan điểm,
định hướng của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục phổ thông. Người đứng đầu cơ quan
quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò
công tác thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo
dục, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Giáo
dục đối với công tác thanh tra, chú trọng đến phương pháp, đối tượng, địa điểm
và hình thức tuyên truyền đảm bảo thiết thực hiệu quả, tránh chung chung, hình
thức. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản
lý, cơ quan thanh tra các cấp, trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm
tra tránh chồng chéo hoặc buông lỏng trong thanh
tra, kiểm tra, chú trọng thực hiện kết luận
thanh tra các cấp.
Công tác thanh tra,
kiểm tra ở trường CĐSP Thừa Thiên Huế luôn được lãnh đạo nhà trường quan tâm
chỉ đạo thực hiện. Công tác này được thực hiện chủ yếu bởi Ban Thanh tra giáo
dục, phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng – Quản lý khoa học và các Đoàn kiểm
tra chuyên môn của Trường. Ngoài ra là công tác tự kiểm tra thường xuyên của
các đơn vị.
Hàng năm, Ban Thanh
tra giáo dục (hiện nay là phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng – Quản lý khoa
học) tham mưu Hiệu trưởng ban hành Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra chuyên môn năm
học theo quy định của Bộ GD&ĐT và thủ tục quy trình quản lý chất lượng ISO
9001:2015 của Trường để triển khai thực hiện.
Đoàn
Thanh tra, KTCM của Trường làm việc với khoa Sư phạm ngày 12/5/2022

Đoàn
Thanh tra, KTCM của Trường làm việc với trường Thực hành Mầm non ngày 13/5/2022

Hội
nghị Tổng kết công tác Thanh tra, KTCM năm học 2020 – 2021
Lê Kế Quân
Trường CĐSP Thừa Thiên Huế