Trong
hai ngày 06 - 07/10, tại Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ
chức Hội nghị tập huấn công tác pháp chế ngành giáo dục năm 2022 cho khoảng 250
đại biểu các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm có trụ sở đóng
tại khu vực phía Nam; các sở giáo dục và đào tạo của các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương khu vực phía Nam (từ tỉnh
Thừa Thiên Huế trở vào). Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế có bà Đặng
Thị Quỳnh Lan – Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Pháp chế, TT&GDPL và ông Lê Kế
Quân – Trưởng phòng Khảo thí-ĐBCL-QLKH, Phó trưởng ban Pháp chế, TT&GDPL
tham dự Hội nghị.
Nội
dung tập huấn bao gồm: Nghiệp vụ công tác pháp chế (xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình
thi hành pháp luật và các nghiệp vụ công tác pháp chế khác); các văn bản
pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ
quản lý giáo dục; các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học; các
văn bản pháp luật quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo cáo viên Hội nghị có TS. Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng
Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS.Nguyễn
Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ
Giáo dục và Đào tạo; TS.Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trao đổi về nghiệp vụ
công tác pháp chế, TS.Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ
Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ những
nguyên tắc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp
pháp, tính thống nhất, đồng bộ; bảo đảm tính khả thi; bảo đảm tính hợp lý, tính
tương thích. Đồng thời lưu ý những yêu cầu đối với việc soạn thảo.
Đối với nội dung pháp
luật về giáo dục đại học, TS.Nguyễn Thị Thu
Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, nhấn mạnh vấn đề tự chủ đại học và mở
ngành đào tạo, phát triển chương trình đào tạo. Các nội dung tự chủ cụ thể như
về học thuật và nội dung chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính
và tài sản. Tuy nhiên, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học đều đương nhiện có
quyền tự chủ và khi cơ sở giáo dục đại học được tự chủ hoạt động nhưng không có
nghĩa là được hành động tùy ý mà phải phù hợp với quy định của luật pháp (thể hiện ở Luật và các văn bản dưới Luật).

Khi thực hiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật,
TS.Đặng Văn Bình lưu ý cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định hướng dẫn (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị
định số 34/2016/NĐ-CP); thực hiện các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
theo thẩm quyền được giao; đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Về các lĩnh vực chủ yếu trong quản lý nhà nước về nhà giáo
bao gồm: Tuyển dụng, hợp đồng lao động; sử dụng nhà giáo; tinh giản biên chế;
chính sách tiền lương, đãi ngộ, thi đua khen thưởng…
Hội
nghị này được tổ chức là cơ hội tốt cho các cơ sở giáo dục đại học, các trường
cao đẳng sư phạm, các sở giáo dục và dào tạo khu vực phía Nam và cả nước nói
chung nâng cao năng lực công tác pháp chế của nhà trường, của ngành giáo dục địa
phương; đảm bảo hoạt động của nhà trường, của ngành giáo dục tuân thủ pháp luật,
hiệu lực và hiệu quả.
Ngoài những nội dung tập huấn về nghiệp vụ,
các đại biểu còn được nghe cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày về quá
trình xây dựng Luật Nhà giáo với những vấn đề: Sự cần thiết đề xuất ban hành
Luật Nhà giáo; các giai đoạn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất xây dựng Luật
Nhà giáo (lần 1, 2008-2011; lần 2,
2016-2018; lần 3, 2021); các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo (Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và
nghĩa vụ nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; quy hoạch, đào tạo,
phát triển nghề nghiệp nhà giáo; đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước
về nhà giáo).
Lê Kế Quân
Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng - Quản lý khoa học