• Kết nối Office Account Zalo
Tuyển sinh | Thư viện
  • Giới thiệu
  • Tin tức
  • Thông báo
  • Lịch tuần
  • Đào tạo
  • Tuyển sinh
  • Thư viện
  • ...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM
THỪA THIÊN HUẾ

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo
  1. Trang Chủ
  2. Tin tức-Sự kiện
  3. Khoa Giáo dục nghề nghiệp

16-11-2022 | Lượt xem: 198

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo là kết quả của việc vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta, là sự kế thừa phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng ta xây dựng quan điểm của mình về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự ra đời nền giáo dục cách mạng Việt Nam.

Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm và công sức cho sự nghiệp giáo dục. Sở dĩ như vậy là vì Người nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo; luôn đề cao tầm quan trọng đặc biệt của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” [3, tr.7]. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã đề ra một trong ba nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết lúc bấy giờ là diệt giặc dốt, một thứ giặc mà theo Người, nó nguy hiểm không thua kém gì giặc ngoại xâm. Điều này nói lên rằng Hồ Chí Minh đã ý thức rất sớm về vai trò của giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo vì thế phải được coi là quốc sách hàng đầu.

Với tâm huyết và tầm nhìn của một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng uyên bác, Người không những chỉ rõ giáo dục có vai trò nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, mà còn quan tâm xây dựng giáo dục và đào tạo con người Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển đất nước, đưa dân tộc Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Người nói: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân” [7, tr.647].

Đề cập đến vai trò to lớn và quan trọng của giáo dục, Hồ Chí Minh khẳng định: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Theo Người, "trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, văn minh và giàu mạnh" [5, tr.38]. Đối với Hồ Chí Minh, con người là vốn quý, là nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Do đó, sự nghiệp trồng người có vai trò quan trọng và ý nghĩa chiến lược đối với vận mệnh của đất nước.

Hồ Chí Minh xác định rất rõ mục tiêu của giáo dục và đào tạo. Với Người, học là để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng lệch lạc, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Trong mục tiêu ấy, Hồ Chí Minh nhìn xa hơn khi đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo cho thế hệ mai sau. Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu của giáo dục là đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người có đủ đức và tài để làm chủ đất nước, để xây dựng và phát triển nước nhà. Nền giáo dục cách mạng Việt Nam có “mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta hơn hẳn trường học thực dân và phong kiến” [5, tr.80].

Về vị trí giáo dục, theo Hồ Chí Minh, giáo dục có một vị trí quan trọng đối với sự phát triển của con người và xã hội. Người cho rằng: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí. Chính phủ đã ra hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng” [3, tr.40]. Điều này chứng tỏ rằng ngay từ rất sớm Hồ Chí Minh đã nhận thức được vị trí quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo trong việc kiến thiết và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Khi bàn về nội dung giáo dục, Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung giáo dục phải đảm bảo tính toàn diện, thiết thực và có tính hệ thống, chú trọng cả đức và tài. Nội dung giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc giáo dục con người toàn diện, mà còn là đào tạo con người đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đất nước, biết lao động sản xuất để phát triển kinh tế và phụng sự nước nhà. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24/10/1955), Người nhắn nhủ: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc. Nước ta mới giải phóng được một năm, chế độ cũ của thực dân và phong kiến không khỏi còn để lại ít nhiều ảnh hưởng không tốt trong những đầu óc trẻ con. Vậy chúng ta phải dùng tinh thần và đạo đức mới để rửa gọt những ảnh hưởng ấy. Việc giáo dục các em gồm:

Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công” [6, tr.175].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không k m. Người khẳng định: “Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục, dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động” [8, tr.746].

Ở khía cạnh khác, nội dung của giáo dục, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” [8, tr.186].

Các quan điểm về nội dung của giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn trên được xem là những yêu cầu cơ bản của một nền giáo dục mới để đào tạo ra những con người mới. Bên cạnh đó, Người cũng lưu ý, nội dung giáo dục được đưa vào giảng dạy phải theo nguyên tắc “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý ở chất lượng, không quý ở số lượng).

Về phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nói: “Giáo viên ta cũng phải thi đua dạy nhanh, trước kia lu bù nhồi sọ, bây giờ phải tìm cách dạy nhanh, nhiều, tốt và rẻ. Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên, thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu” [7, tr.270]. Người nhấn mạnh rằng, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu. Theo Người, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách. Người phân tích: “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” [4, tr.316]; “Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đen tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng” [4, tr.357]. Với Hồ Chí Minh, sự học là vô cùng; vì vậy phải học suốt đời, học nữa, học mãi. Người nói: “Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng xem xét tại sao lại thất bại để mà tránh đi” [3, tr.115]. Tự học, tự nghiên cứu, đào sâu lý luận, độc lập, tự chủ, sáng tạo, chủ động, biến kiến thức của thầy thành kiến thức của mình là một trong những tư tưởng của Hồ Chí Minh về phương pháp học tập để nâng cao trình độ nhận thức thể hiện quan điểm hiện đại trong giáo dục, đào tạo hiện nay khi mà nhân loại đang chứng kiến sự ra đời và phát triển của nền kinh tế tri thức, của kỷ nguyên toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" [3, tr.252]. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách, gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước; gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn; lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa; không bị cám dỗ của lợi ích vật chất; không phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Vấn đề đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện. Người nêu yêu cầu đạo đức cách mạng đối với các giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội, trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong mọi phạm vi, từ gia đình đến xã hội, trong cả ba mối quan hệ của con người: đối với mình, đối với người, đối với việc như sau đó là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng. Như vậy, đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là làm việc không vì danh vọng cá nhân hay lợi ích cục bộ, mà vì lợi chung của Đảng, dân tộc, loài người; nó là gốc, là nguồn lực vô tận của người chiến sĩ cách mạng và là nền tảng vững chắc để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không chỉ quan tâm đến vai trò, vị trí, nội dung và phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến vai trò, vị trí của nhà giáo và các giải pháp phát triển giáo dục. Người nói: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang" [6, tr. 331 - 332].

Người thầy giáo tốt sẽ giáo dục và đào tạo một thế hệ tốt. Người thầy giáo phải không ngừng học tập và rèn luyện về mọi mặt để có thể đào tạo và giáo dục cho thế hệ mai sau. Người dạy: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con" [3, tr.492].

Người khẳng định: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu. Các cô, các chú phải nhận rõ trách nhiệm của mình. Phải luôn luôn đặt câu hỏi: dạy ai? Nói chung là học trò. Dạy để làm gì? Dạy cho nó yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội hay đào tạo thành một lũ cao bồi. Lúc đó mới tìm cách dạy. Về cách dạy thì quần chúng công nhân, nông dân trí thức có nhiều kinh nghiệm. Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt. Không phải ngồi chờ Bộ Giáo dục nghĩ ra” [7, tr.269].

Nói đến phát triển giáo dục, Hồ Chí Minh cho rằng để phát triển giáo dục và đào tạo cần có sự quan tâm, phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều người; rằng, “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân” [9, tr.508]. Người nhấn mạnh: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới” [9, tr.508].

Bất cứ nền giáo dục của một dân tộc nào cũng đều có triết lý riêng, dù nó đã được xây dựng hoàn chỉnh như một học thuyết hay chỉ mới cô đọng trong các châm ngôn, khẩu hiệu nhưng cũng đã hàm chứa những hạt nhân thế giới quan và nhân sinh quan sâu sắc. Mỗi triết lý giáo dục luôn được hình thành từ những yêu cầu, đặc điểm kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa, chế độ chính trị của quốc gia và thời đại sinh ra nó. Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh được xem là một triết lý giáo dục cách mạng, là sự kết tinh các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Theo Phạm Minh Hạc, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh bao gồm những nội dung sau đây: “1. Chống chính sách ngu dân; 2. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; 3. Vì lợi ích trăm năm trồng người; 4. Xây dựng một nền giáo dục của một nước độc lập; 5. Đào tạo những công dân hữu ích cho nước nhà; 6. Phát triển các năng lực sẵn có của các em; 7. Trọng dụng nhân tài; 8. Giáo dục làm người; 9. Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt; 10. Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn” [2; tr. 431].

Với những nội dung sâu sắc, vượt không gian, thời gian và mang tính thời đại trên đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là nền tảng lý luận vững chắc, là định hướng vô cùng quan trọng để Đảng ta xây dựng các quan điểm về đổi mới căn, toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.

___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2013),Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

2.  Phạm Minh Hạc (2011), Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội

6.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9.  Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Nguyễn Thủy Tiên
Khoa Giáo dục nghề nghiệp

Khoa Giáo dục nghề nghiệp

  • Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, công tác pháp chế, giáo dục pháp luật năm 2022 và triển khai công tác năm 2023
  • Hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Chi bộ Khoa Giáo dục nghề nghiệp.
  • Những nhận thức và cảm nghĩ sâu sắc của sinh viên trường CĐSP Thừa Thiên Huế về chuyến tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
  • Những tháng ngày năm ấy - khi tôi là học viên!
  • Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế tham quan, nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
  • QUAN ĐIỂM CỦA C.MÁC, PH.ĂNGGHEN VÀ V.I.LÊNIN VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
  • Đại hội Chi bộ Khoa Giáo dục nghề nghiệp, nhiệm kỳ 2022 - 2025
  • Tập huấn sử dụng Sách giáo khoa môn Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10
  • Tham quan thực tế tại Nhà tù Phú Quốc
  • Hội nghị chuyên đề về cải tiến phương pháp dạy học của Khoa Giáo dục nghề nghiệp

  • Xem tất cả
    HOẠT ĐỘNG
    • Đăng ký tuyển sinh
    • Đăng ký nhập học
    • Tư vấn-Hướng nghiệp
    • Khoa học và Công nghệ
    • Hợp tác quốc tế
    • Kiểm định chất lượng
    • Văn hóa - Nghệ thuật
    • Kết nối OA Zalo
    THÔNG TIN
    • Công khai giáo dục
    • Công tác HSSV
    • Phổ biến pháp luật
    • Thực hành-Thực tập
    • Lý lịch khoa học
    • Văn bản pháp quy
    • Danh bạ điện thoại
    • Lịch công tác
    • Sinh viên tốt nghiệp
    • Facebook
    TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ
    • Đảng bộ
    • Công đoàn
    • Đoàn TN - Hội SV
    KHOA-PHÒNG-TRUNG TÂM
    • Phòng Đào tạo-CTSV
    • Phòng Tổ chức-Hành chính-HTQT
    • Phòng Khảo thí-ĐBCL-QLKH
    • TT Hỗ trợ SV-LKĐT
    • Khoa Sư phạm
    • Khoa Giáo dục nghề nghiệp
    • Khoa Ngoại ngữ-CNTT
    • Khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ
    • Trường THMN Họa Mi

    TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM THỪA THIÊN HUẾ

    Địa chỉ: 123 Nguyễn Huệ - TP Huế - Thừa Thiên Huế

    Điện thoại: 0234.3822179 - 0234.3833584

    Email: cdsp@thuathienhue.gov.vn

    Sản phẩm của Ban ứng dụng & phát triển CNTT

      

    Some text in the modal.