Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi có mặt cùng
các em sinh viên K44 CĐ GDMN trong chuyến tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn
Chí Thanh, được đọc những bài thu hoạch ghi lại những nhận thức, cảm nghĩ hết sức
sâu sắc của các em về chuyến tham quan.
Trong các thu hoạch, mặc dù câu chữ
đôi khi chưa được trau chuốt nhưng các em đã ghi lại được một cách sinh động, đầy
đủ những điều bản thân đã nhận thức được về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng,
những cảm xúc chân thành, sâu sắc của mình và rút ra những bài học có ý nghĩa
cho bản thân trong học tập cùng như trong cuộc sống. Tiêu biểu như:
Em N.T.D.L, trong bài viết của mình
em đã chia sẻ: “Trong chuyến đi thực tế Bảo
tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho em những bài học quý giá và qua
đó cũng đã giúp em biết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng. Ông
là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, là vị tướng văn võ
song toàn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc,
là tấm gương sáng về cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Cuộc
đời và sự nghiệp của Đại tướng mãi là tấm gương sáng để chúng tôi phấn đấu, học
tập, noi theo…”; “…Trong thời đại ngày nay, với bộn bề của cuộc sống, dường như
chúng ta đã dần lãng quên những công ơn mà cha ông chúng ta đã làm trong quá khứ
để chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình. Chúng ta may mắn là con người
Việt Nam, được sinh sống trên đất nước Việt Nam bình yên, tự do. Vì vậy, hãy biết
ơn những người anh hùng của dân tộc đã đứng lên giành lại đất nước từ tay kẻ
thù, họ đã hy sinh một cách anh dũng. Là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thừa
Thiên Huế, là thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước, tôi sẽ không ngừng nỗ lực,
phấn đấu, góp phần công sức bé nhỏ để xây dựng một đất nước hòa bình, vững mạnh
để sánh vai cùng cường quốc năm châu”.
Em V.T.Q.N viết: “Kính thưa Bác Đại tướng Nguyễn Chí Thanh!
Được đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Bác, cháu vô cùng xúc động. Cháu biết được
mỗi nơi Bác từng sống, chiến đấu, mỗi nẻo đường Bác đi qua đều để lại tình cảm
thương yêu, trìu mến vô bờ của quân và dân cả nước. Đức độ và tài năng của Bác,
thế hệ chúng cháu mãi nguyện học tập suốt đời”.
Em B.T.U.N viết: “Ai cũng có những ham muốn, những toan tính
cho lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình mà sao vị Đại tướng ấy lại có tấm
lòng bao la, hết lòng với đất nước,Tổ quốc! Càng nghĩ, tôi lại càng thấy mình
nhỏ bé quá, tôi đã được sống trong một đất nước hòa bình, được cha mẹ thương
yêu, chưa từng nghe tiếng bom rơi, pháo dội và cũng chưa từng cảm nhận nỗi đau
nước mất, nhà tan, thế nên tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác, chỉ nghĩ cho mình,
sống ích kỷ, thờ ơ trước những điều mà cha ông đã gây dựng nên. Đứng trước những
cống hiến, sự hy sinh, tình cảm mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dành cho mảnh đất
quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng cũng như cả nước nói chung, tôi mới có dịp
kiểm điểm lại bản thân mình.Tổ quốc đã cho chúng ta cuộc sống độc lập, tự do,
cho ta một điều kiện để phát triển, vậy mà chúng ta lại lãng phí thời gian,
công sức vào những thú vui vô nghĩa, không cố gắng học tập, trau dồi bản thân để
sống hết mình, cống hiến hết mình để hoàn thiện bản thân”;
Em Đ.T.T.N viết: “Em cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn
lên ở mảnh đất Thừa Thiên Huế, khi có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh sống và cống
hiến, điều đó làm cho em thêm cố gắng và phải tự hứa với mình sẽ sống và làm việc
theo tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kính yêu, để xứng đáng với những
gì ông đã cống hiến, xây dựng cho quê hương và đất nước hôm nay”;
Em H.N.T.N viết: “Sau
khi tham quan Bảo tàng, tôi hiểu thêm những chiến tích ông làm được và về cuộc
đời của ông hơn, thêm kính trọng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một con người vô
cùng vĩ đại, bình dị. Khi đứng trước những di vật, di ảnh của anh hùng dân tộc,
trong lòng tôi bỗng thương tiếc khôn nguôi. Tôi sẽ cố gắng học tập xây dựng quê
hương ngày càng giàu mạnh. Mà điều đầu tiên để thực hiện được hoài bão lớn lao
thì tôi phải phấn đấu vào Đảng, tiến bước trên con đường thực hiện lý tưởng của
mình và xứng đáng là con người Việt Nam”;

Em N.T.D viết: “Chuyến đi thực tế của chúng tôi đã khép lại, nhưng trong tâm trí của
tôi, dư âm của hành trình vẫn còn đọng mãi. Dư âm ấy mở ra, khơi dậy nhiệt huyết,
khát vọng cống hiến, niềm tin về sự đổi mới, tiến bộ…”.
Em P.T.L viết “Viếng thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mỗi người sẽ có những
cảm nhận khác nhau. Riêng bản thân em, chuyến tham quan đã phần nào bổ sung
thêm kiến thức cho bản thân… Là một sinh viên, tôi thấy mình phải có ý thức với
sự nghiệp phát triển của đất nước để mỗi ngày thêm giàu đẹp. Thăm Bảo tàng Đại
tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi càng thêm yêu đất nước Việt Nam – đất nước mà Đại
tướng đã cùng nhân dân ta đánh đổi bằng biết bao xương máu để giành lại. Tôi
may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chiến tranh đã lùi dần
vào quá khứ. Học tập, sống tốt và cống hiến – đó là những gì tôi sẽ cố gắng làm
tốt”.
…
Những trang viết đầy cảm xúc và ý
nghĩa đó được 54 sinh viên lớp K44 CĐ GDMN diễn đạt bằng những cách khác nhau,
những tất cả đều toát lên tình cảm kính trọng, biết ơn, tự hào đối với công lao
to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng như các thế hệ cha ông đối với sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; và tình cảm ấy đã biến thành ý thức trách
nhiệm, thành mong muốn, khát vọng phấn đấu, cống hiến để góp phần xây dựng đất
nước, quê hương ngày càng giàu đẹp hơn ở mỗi em.
Với những gì các em đã viết, đã thể hiện qua các
bài viết thu hoạch, đã chứng tỏ rằng mục đích giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị,
bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho sinh viên, mà chúng tôi – những giảng viên
Khoa Giáo dục Nghề nghiệp, những người đã tổ
chức để các em có chuyến tham quan, nghiên cứu thức tế Bảo tàng Đại tướng Nguyễn
Chí Thanh – đặt ra đã được thực hiện một cách có hiệu quả./.
Cù Thị Nga
Khoa Giáo dục nghề nghiệp